Hợp pháp hóa lãnh sự đối với bộ chứng từ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước Ả-rập và hồi giáo
Hợp pháp hóa lãnh sự đối với bộ chứng từ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước Ả-rập và hồi giáo
Theo quy định của nhiều nước Ả-rập Hồi giáo tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, UAE, Ca-ta, Ai Cập, An-giê-ri…), đối với các lô hàng nhập khẩu vào các nước này, bộ chứng từ hàng hóa đi kèm phải được hợp pháp hóa lãnh sự bởi Đại sứ quán hoặc Cơ quan lãnh sự của nước nhập khẩu đóng tại nước xuất khẩu trước khi làm thủ tục nhập khẩu. Trong trường hợp nước nhập khẩu không có Đại sứ quán hoặc Cơ quan lãnh sự ở nước xuất khẩu thì người xuất khẩu có thể yêu cầu Đại sứ quán hoặc Cơ quan lãnh sự của một nước Ả-rập hoặc Hồi giáo khác hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ xuất khẩu
Quy định này của các nước Ả-rập và Hồi giáo áp dụng đối với tất cả các nước đối tác bạn hàng trên thế giới. Việc hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các giấy tờ như giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hóa đơn thương mại (invoice), các giấy tờ chứng nhận kiểm dịch hoặc an toàn vệ sinh, vận đơn (B/L), chứng nhận khác của nhà sản xuất… Mục đích của việc hợp pháp hóa bộ chứng từ xuất khẩu nhằm xác định đúng nguồn gốc, chất lượng và giá trị thực của hàng hóa nước xuất khẩu, tránh gian lận thương mại của đơn vị xuất khẩu hoặc trốn thuế của đơn vị nhập khẩu… Các quy định nói trên của các nước Ả-rập và Hồi giáo được phổ biến công khai và được nhiều nước trên thế giới thông báo, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp biết khi xuất khẩu hàng hóa sang thị các trường Ả-rập và Hồi giáo.
Theo quy trình trong thực tế, trước khi được Đại sứ quán hoặc Cơ quan lãnh sự của nước nhập khẩu đóng tại nước xuất khẩu hợp pháp hóa, bộ chứng từ hàng hóa phải được Phòng Thương mại và Công nghiệp, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) của nước xuất khẩu chứng thực.
Trước đây, nhiều nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi chưa mở Đại sứ quán tại Hà Nội, hầu hết các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán Ai Cập hoặc Đại sứ quán An-giê-ri tại Hà Nội và đều được các nước chấp nhận. Theo thời gian, cùng với sự phát triển quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa… các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-oét, UAE, Ả-rập Xê-út, Ca-ta, Ô-man… đã lần lượt mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Sau khi mở Đại sứ quán, từng nước đều thông báo Đại sứ quán sẽ đảm nhiệm việc hợp pháp hóa các bộ chứng từ xuất khẩu sang thị trường nước mình.
Thời gian qua, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần gửi công hàm tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề nghị xác minh tính xác thực và cung cấp bản gốc của các bộ chứng từ (C/O, invoice, P/L, B/L…) của nhiều lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này với lý do Cơ quan hải quan của Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho phép thông quan lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì bộ chứng từ xuất khẩu chưa được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán.
Trong thực tế đã xảy ra các trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ, thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng của Việt Nam như săm lốp xe đạp và xe máy, dây cu-roa, giày dép, điều hòa nhiệt độ… với lý do các nhà sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất hoặc trị giá nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng quá nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu mặt hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, qua các bước tiến hành điều tra và xem xét, kiểm tra tình hình thực tế các doanh nghiệp có liên quan của Việt nam do Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan, có nhiều trường hợp không phải do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện mà là do doanh nghiệp nước ngoài mạo danh doanh nghiệp và nguồn gốc hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, cũng đã xảy ra trường hợp bộ chứng từ xuất khẩu có hóa đơn thương mại bị sửa chữa làm cho giá trị khai báo hải quan thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của lô hàng và phía Bạn đã nghi ngờ nên hỏi lại các cơ quan hữu trách của Việt Nam nhằm xác minh sự thật.
Vì vậy, phía Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chặt chẽ việc hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ xuất khẩu hàng hóa. Trường hợp thiếu hợp pháp hóa bộ chứng từ, khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, Cơ quan hải quan Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu người nhập khẩu bổ sung và nộp các chi phí, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỏi lại phía Việt Nam về tính xác thực của các giấy tờ liên quan, do vậy sẽ mất thời gian và tốn kém chi phí, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây (Quý 4/2011), Đại sứ quán Ô-man tại Hà Nội đã có thông báo tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam về việc Đại sứ quán bắt đầu triển khai việc chứng thực lãnh sự đối với đối với bộ chứng từ xuất khẩu hàng hóa (tập trung vào C/O, invoice, chứng nhận của nhà sản xuất…) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ô-man vẫn thực hiện quy định này thông qua việc hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ xuất khẩu tại các Đại sứ quán khác trong khối GCC tại Hà Nội như Ả-rập Xê-út, UAE, Ca-ta.
Theo trình tự thủ tục, trước khi Đại sứ quán các nước hợp pháp hóa lãnh sự, doanh nghiệp phải được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lần lượt xác nhận vào bộ chứng từ xuất khẩu.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhằm tuân thủ các quy định của nước sở tại và tránh phát sinh những trường hợp rắc rối không cần thiết, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước Ả-rập và Hồi giáo tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi cần lưu ý tới thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ hàng hóa xuất khẩu.
Chimmao trích tại: https://hopphaphoalanhsu.com.vn